Cây mắc ca cổ thụ nhất Việt Nam
Cây mắc ca tại Đà lạt được cho là cây Mắc Ca lâu đời nhất tại Việt Nam..
Mắc ca là một giống cây nhập ngoại (từ châu Úc) về Việt Nam trồng cách nay chưa đến 20 năm. Từ 6 năm trở lại nay, cây mắc ca được xem là “cây tỷ đô” đầy triển vọng của Việt Nam, nhất là đối với vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng.
Như vậy, về lý thuyết mà nói thì “tuổi đời” của mắc ca Việt Nam không vượt quá 20 năm. Tuy nhiên, mới đây, chúng tôi thực sự bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy một cây mắc ca đại thụ duy nhất khá “hiên ngang” đứng trong khuôn viên dãy biệt thự Cadasa resort trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (bên hông biệt thự số 26). Cây mắc ca có tuổi lên đến 50 năm trong khuôn viên dãy biệt thự cổ Pháp (được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ trước) đứng đó tự bao giờ.
Phó GĐ điều hành Dalat Cadasa Resort Phạm Thị Thanh Tâm (trái) trao đổi với nhà báo về cây mắc ca “gây bất ngờ” trong khuôn viên biệt thự Trần Hưng Đạo mà Dalat Cadasa resort đang quản lý. Theo bà Tâm cho biết thì gần đây, có một số nhà khoa học và nhà quản lý thuộc ngành lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đến tìm hiểu và bắt đầu quan tâm đến cây mắc ca cổ thụ này.
Chu vi ước khoảng 1,2m.
Trực tiếp nhìn thấy cây mắc ca cổ thụ của Đà Lạt, các nhà nông học đo đếm đường kính gốc khoảng 40cm, chiều cao khoảng 11 - 14m, tán rộng khoảng 9 - 10m. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - GĐ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (đơn vị đầu tiên ở Lâm Đồng trồng thử nghiệm mắc ca), cán bộ chuyên ngành lâm nghiệp - nói: Có thể nói, đây là cây mắc ca đại thụ và duy nhất có tuổi trên dưới 50 năm trong thời điểm hiện tại ở Lâm Đồng, và có khi còn cả ở VN.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn lúc này là nên tiến hành nghiên cứu để lai tạo cho bằng được một giống mắc ca mới (F1) hoàn toàn của VN (và đăng ký bản quyền ra thế giới). Thạc sỹ Lương Văn Dũng (Đại học Đà Lạt, một chuyên gia về lâm nghiệp) cho rằng, đây tuy là cây ngoại nhập nhưng trải qua thời gian 40 - 50 năm, nó đã hoàn toàn thích nghi với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt nên có thể được xem là một giống cây bản địa của Lâm Đồng.
Hiện tại ở VN, cây giống mắc ca được trồng từ Bắc vào Nam, kể cả vùng Tây Nguyên, đều là giống mắc ca nhập từ nước ngoài về. Ngay giống cây mắc ca của một số cơ sở sản xuất cây giống trong nước cũng vậy, cũng đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Như vậy, với cây mắc ca cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo, việc nghiên cứu nhân giống, lai tạo... để có một giống cây mắc ca hoàn toàn của VN là điều cần thiết!
Ở VN, ngay từ năm 1987 đã có chương trình bảo tồn nguồn gen quốc gia được triển khai, thực hiện. Hiện tại, nhiệm vụ bảo tồn được phân cho nhiều bộ, nhiều ngành; trong đó, Bộ NN-PTNT phụ trách bảo tồn nguồn gen thực vật phục vụ cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp, nguồn gen vật nuôi, vi sinh vật, nguồn gen cây rừng... Ngay từ bây giờ, Lâm Đồng cần phối hợp với Bộ NN-PTNT đề ra một kế hoạch về bảo vệ nguồn gen, nghiên cứu nhân giống... một loài mắc ca mới hoàn toàn của Việt Nam từ cây mắc ca cổ thụ hiện đang có trong khuôn viên dãy biệt thự Trần Hưng Đạo - cây mắc ca có thể là được xem cây đầu dòng bản địa của tỉnh Lâm Đồng!
Hoàng hậu của các loại hạtMắc ca (tên đầy đủ: macadamia) là một giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Những năm gần đây, với giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại quả khô, được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt”. Theo nhiều nghiên cứu, hạt mắc ca chứa loại dầu béo không no, có vị thanh bùi, rất tốt cho sức khỏe.
Tại các nước phát triển, hạt mắc ca được tiêu thụ ngày càng tăng và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Việt Nam đã hướng tới nhân rộng, phát triển diện tích trồng cây mắc ca nhưng việc lai tạo giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc phát hiện mắc ca cổ thụ này có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt.
www.OriBeans.com
2015
0 nhận xét